Tâm huyết đó, thể hiện qua sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng trong học tập và làm việc của thầy. Lớn lên trong vùng quê nghèo, có đông đồng bào Khmer thuộc ấp Bưng Lức, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, một làng quê chưa có đường, điện, trạm… thầy vẫn vượt qua để đến với con đường Đại học. Năm 2000, khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Anh Văn, thầy xin về dạy Trường Trung học cơ sở Đại Ân 2, ngôi trường mà thầy từng học. “Trường có hơn 90% là học sinh Khmer và khả năng hiểu tiếng việt, tiếng Anh rất hạn chế. Vì vậy, trong giảng dạy tôi sử dụng cả 3 thứ tiếng Việt-Khmer-Anh và tự làm dụng cụ học tập giảng dạy để các em hiểu, đọc, nghe và nói được”- thầy Tha nhớ lại.
Năm 2008, thầy được điều động về dạy Trường Trung hoc cơ sở Dân tộc nội trú Long Phú. Về đây, thầy luôn gương mẫu, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp và tích cực tham gia phong trào của trường nên tập thể tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Chi bộ. Sau đó, thầy được đưa đi đào tạo Trung cấp lý luận chính trị, quản lý giáo dục. Năm 2010, thầy được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng và Bí thư Chi bộ của trường đến nay. Nhận nhiệm vụ khi mới 35 tuổi, còn trẻ so với một số đồng nghiệp khác. Thế nhưng, thầy vẫn được đánh giá là một lãnh đạo có tài năng, bản lĩnh và tâm huyết với nghề.
Chú thích ảnh: Chân dung thầy Thạch Hoàng Tha, Hiệu trưởng trường THCSDTNT Long Phú.
“Làm việc với thầy Tha chúng tôi không bị áp lực về mặt chuyên môn, vì thầy luôn hiểu và thông cảm cho giáo viên dạy ở ngôi trường đặc thù. Thầy luôn sống vì tập thể, chăm lo đầy đủ các chính sách dành cho giáo viên và học sinh. Đặc biệt, thầy rất chú trọng đến công tác giáo dục và đạo tạo cho đội ngũ giáo viên, nên 100% giáo viên của trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn”- thầy Thạch Thanh Nhàn giáo viên của trường cho biết.
Học sinh của trường dân tộc nội trú đều là học sinh Khmer ở vùng sâu, vùng xa nên ngoài dạy chữ, còn phải dạy cho các em biết cách sống, Vì vậy, trong họp Hội đồng sư phạm, thầy luôn lắng nghe ý kiến và phân tích trước Hội đồng về nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng trình độ học sinh không đều. Đồng thời, động viên cho giáo viên tìm ra những phương pháp giảng dạy tốt, phù hợp với học sinh; dạy cho các em có nề nếp tốt, tác phong chuẩn mực, biết lễ phép, giữ vệ sinh cá nhân, rèn cho các em kỹ năng tự học… để xứng đáng với khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Song song đó, thầy phối hợp với phụ huynh học sinh chung tay với nhà trường giáo dục cho các em để trở thành con ngoan, trò giỏi. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng lên qua từ năm. Năm học 2018- 2019, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 60%, còn lại là trung bình và tỷ lệ học sinh xét tốt nghiệp lớp 9 đạt 100%.
Là một cán bộ, đảng viên người dân tộc Khmer, đồng thời làm công tác giáo dục, thầy Tha luôn ý thức học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, đặc biệt là thầy luôn phấn khởi và tự hào, không ngừng cống hiến nhiều hơn nữa công sức của mình cho công tác giáo dục và đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để tiếp tục nâng cao dân trí, công tác giáo dục đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm tới, thầy Thạch Hoàng Tha chia sẻ : “ Trường tiếp tục mở rộng đào tạo liên cấp đối với các trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp huyện, đào tạo liên thông từ Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông, triển khai có hiệu quả Đề án “ Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2016 – 2020”, nhằm tạo chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, góp phần tích cực trong vai trò tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, đồng thời thực hiện tốt loại hình trường chuyên biệt mang tính chất “Phổ thông – Dân tộc – Nội trú” đúng theo Thông tư 01/2016/TT – BGDĐT ngày 15/01/2016 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động trường phổ thông dân tộc nội trú”.
Dưới sự lãnh đạo của thầy Tha, từ năm 2010 đến nay, Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú Long Phú luôn đạt tập thể lao động xuất sắc.“ Trường đạt thành tích đều nhờ vào sự phấn đấu, công đóng góp của tập thể. Tôi cũng rất mừng và vinh dự khi được làm việc với tập thể luôn đoàn kết và có tâm quyết cao trong sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng đồng bào Khmer”. Thầy Tha nói.
Thực hiện: Sóc Ca.